175/6/10 Nguyễn Văn Tăng, P. Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh     miendongelv@gmail.com

TÀU LẶN TITAN MẤT TÍCH KHÔNG ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH NHƯNG VẪN HOẠT ĐỘNG? CÓ GÌ TƯƠNG TỰ VỚI THANG MÁY?

TÀU LẶN TITAN MẤT TÍCH KHÔNG ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH NHƯNG VẪN HOẠT ĐỘNG?

CÓ GÌ TƯƠNG TỰ VỚI THANG MÁY KHI CHƯA ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH?

 

TCTM – 1000 lần có thể không sao nhưng không ai chắc chắn lần thứ 1001 có xảy ra vấn đề hay không. Điều này cũng tương tự như thang máy, tưởng là vẫn vận hành bình thường cho đến khi… gặp sự cố.

Tàu lặn Titan phớt lờ cảnh báo về an toàn của gần 40 chuyên gia:

       Mới đây, cả thế giới rúng động với tin tức tàu lặn Titan mất tích cùng 5 nạn nhân đều là những người có thân thế không tầm thường. Vấn đề đáng chú ý là chiếc tàu lặn này không có chứng nhận an toàn, chưa được kiểm định và đã từng được cảnh báo bởi nhóm 38 chuyên gia.

       Theo đó, tàu lặn Titan với lịch trình lặn thăm xác tàu Titanic là một phần trong chương trình du lịch kéo dài 8 ngày do Công ty OceanGate tổ chức. Các du khách khởi hành từ Newfoundland (Canada) di chuyển khoảng 740km tới địa điểm xác tàu Titanic với sự hỗ trợ của tàu Polar Prince.

       Sáng 18/6/2023 theo giờ địa phương, chiếc tàu lặn Titan đưa nhóm người xuống đáy biển tham quan. Nhưng sau 1 giờ 45 phút, con tàu mất liên lạc với tàu Polar Prince.

5 người trên tàu lặn Titan đang mất tích gồm tỷ phú Anh Hamish Harding, chuyên gia Pháp Paul-Henry Nargeolet, nhà sáng lập OceanGate Expeditions Stockton Rush, doanh nhân Pakistan Shahzada Dawood cùng con trai Suleman.

4/5 hành khách tham gia vào chuyến tàu lặn Titan mất tích ngày 18/6

       Đến ngày 22/6/2023 theo giờ Mỹ, Lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) nhận định toàn bộ 5 người trên tàu lặn Titan ngắm xác tàu Titanic đều đã thiệt mạng, lực lượng cứu hộ đã phát hiện nhiều mảnh vỡ của tàu lặn Titan ở khu vực cách xác tàu Titanic chỉ khoảng 500m, nghĩa là ở độ sâu gần 4.000m. Tuyên bố này cũng kết thúc chiến dịch cứu hộ quốc tế quy mô lớn kể từ khi con tàu mất tích vào ngày 18/6.

Vì sao tàu lặn Titan không được kiểm định nhưng vẫn hoạt động?

       Theo New York Times ngày 21/6/2023, Công ty OceanGate đã nhận một loạt cảnh báo từ các chuyên gia trong và ngoài tổ chức ngay trước khi đội ngũ kỹ sư.

       Đầu tiên, từ tháng 1/2018, ông David Lochridge – giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải của công ty này đã gửi lên một báo cáo, trong đó yêu cầu tàu Titan cần phải được thử nghiệm nhiều hơn, đồng thời ông cũng chỉ ra bộ phận tàu cho phép hành khách nhìn ra bên ngoài chỉ đạt tiêu chuẩn hoạt động ở độ sâu 1.300m, trong khi đó, để ngắm được xác tàu Titanic, tàu lặn Titan phải hoạt động ở độ sâu hơn 4.000m dưới mặt nước.

       Tuy nhiên, Giám đốc điều hành công ty – ông Stockton Rush đã từ chối việc mang tàu Titan đến các cơ quan chứng nhận an toàn. Đồng thời, sau khi nhận báo cáo trên, Công ty OceanGate đã sa thải ông Lochridge.

Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush, người đã kiên quyết không đăng ký chứng nhận an toàn cho tàu Titan. Ông cũng là người đã lái chuyến tàu bị mất tích

       Ngoài báo cáo cảnh báo từ chuyên gia nội bộ công ty, Công ty OceanGate còn phớt lờ cảnh báo của gần 40 chuyên gia thuộc ngành tàu lặn, bao gồm kỹ sư, nhà hải dương học, nhà thám hiểm đại dương,…

       Theo đó, cách để tàu lặn Titan lách luật kiểm định vẫn có thể hoạt động dựa trên việc triển khai tàu Titan trên vùng biển quốc tế – nơi không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào nên hoạt động của con tàu này cũng không phải đăng ký với quốc gia nào, do đó không phải tuân thủ các quy định liên quan.

Tàu lặn ngắm xác Titanic không có chứng nhận an toàn, từng nhận cảnh báo từ gần 40 chuyên gia nhưng bị Công ty OceanGate phớt lờ

Những công bố về chất lượng không minh bạch

       Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tàu Titan cũng khẳng định rằng cách tiếp thị của Công ty OceanGate “nếu nói nhẹ thì là dễ gây hiểu lầm”.

       Theo đó, OceanGate công bố tàu lặn của mình đạt, thậm chí vượt xa các tiêu chuẩn an toàn của DNV – một công ty đánh giá rủi ro. Tuy nhiên, OceanGate chưa bao giờ đưa tàu Titan đến công ty trên để đánh giá.

       Nhóm chuyên gia cũng yêu cầu OceanGate cần cho thử tàu dưới sự đánh giá của DNV hoặc một đơn vị chứng nhận khác có chức năng tương tự, nhấn mạnh rằng quá trình kiểm định bởi bên thứ ba là rất quan trọng trong việc bảo toàn sự an toàn của người trên tàu.

       Đáp lại những cảnh báo trên, OceanGate công khai khẳng định tàu Titan quá “tân tiến”, khiến quá trình xin cấp phép với quy trình hiện tại có thể kéo dài nhiều năm. Do đó, tàu lặn này chưa bao giờ được một công ty kiểm định kiểm tra.

Có gì tương tự với thang máy?

       Một số hành khách trên các chuyến thám hiểm trước của OceanGate cho biết sự cẩn thận của Stockton Rush khiến họ yên tâm, thậm chí ký giấy miễn trừ trách nhiệm nếu tử vong trong chuyến đi. “Tôi chưa bao giờ gặp người nào chú ý đến chi tiết như vậy. Tôi có niềm tin vào ông ấy”, Mike Reiss, một trong các tác giả của series hoạt hình nổi tiếng Gia đình Simpson, cho biết khi tham gia chuyến lặn biển trên tàu Titan năm 2022.

       Thế nhưng, suy cho cùng đó cũng chỉ là niềm tin chủ quan dựa trên những biện pháp an toàn chủ quan. Thực tế vẫn là tàu Titan chưa được kiểm định an toàn hay đánh giá rủi ro bởi những đơn vị thứ ba có chức năng.

       Cũng là những phương tiện di chuyển được xếp vào nhóm có nguy cơ gây mất an toàn lao động, thực trạng ngành thang máy dường như cũng đang gặp vấn đề tương tự.

 

       Thang máy không được kiểm định, không được bảo trì – bảo dưỡng theo quy định, vận hành theo cảm tính “di chuyển được là được”. Vấn đề ở chỗ, 1000 lần có thể không sao nhưng không ai chắc chắn lần thứ 1001 có xảy ra vấn đề hay không. Hầu hết các sự cố thang máy khi xảy ra rồi mới thấy các sai phạm về kiểm định, bảo trì – bảo dưỡng tồn tại từ trước đó.

       Nếu công tác phòng cháy chữa cháy được kiểm tra có tính định kỳ trên thực địa thì công tác quản lý thang máy lại chưa làm được điều này. Nếu ở các tòa nhà văn phòng, chung cư, sự giám sát của người sử dụng thang máy còn có thể gia tăng sự tuân thủ của quản lý tòa nhà thì thang máy gia đình lại rất khó kiểm soát, hầu như dựa trên sự tự giác của gia chủ.

       Và liệu chăng việc tích hợp kiểm tra, khảo sát dân cư cũng là thực tế, từ đó sát sao hơn việc tuân thủ thực hiện của người dân, không còn đơn thuần phụ thuộc vào tính tự giác. Và người mua thang máy, sử dụng thang máy hay bất kỳ người tiêu dùng nào liên quan đến các thiết bị có nguy cơ về an toàn lao động thì đều nên bỏ qua niềm tin chủ quan và yêu cầu các bằng chứng xác thực về các yếu tố đảm bảo về an toàn thiết bị.

       Đó là còn chưa kể đến việc sử dụng một dịch vụ du lịch mạo hiểm nghĩa là khách hàng được lựa chọn và tư vấn về các điều khoản kèm theo trong các tình huống xảy ra sự cố, nhưng việc sử dụng thang máy tại các tòa nhà lại như một tiện ích chung, người sử dụng không biết được về tình trạng của chiếc thang máy mình đang sử dụng có được kiểm định, bảo trì – bảo dưỡng đầy đủ hay không.

 

       Có lẽ, ngoài việc bắt buộc dán tem kiểm định trên thang máy thì cũng cần một hình thức công khai lịch sử hoạt động của thang, nêu rõ về lịch trình kiểm định, bảo trì, để người sử dụng có thông tin để quyết định có nên dùng thang máy hay không. Tránh việc sử dụng thang máy rồi mới thấy rung lắc bất thường, thậm chí là gặp sự cố khiến nhiều người có nỗi ám ảnh với thang máy.

Theo nguồn tapchithangmay.vn


Hotline tư vấn: 0979414313MrTâm(GiámĐốc+ChuyênGiaThangMáy)0788380008(Hotline24/7)
Zalo